Tổng cục trưởng Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam Tạ Đình Thi, đại diện cho phía Việt Nam tại Hội nghị
Hội nghị đã chia sẻ nhiều thông tin, kinh nghiệm quốc tế và khu vực hết sức hữu ích về quản lý rác thải nhựa đại dương, đặc biệt là nguy cơ rất cao sự gia tăng ô nhiễm môi trường biển do rác thải nhựa đối với khu vực các biển Đông Á, các tác động tiềm tàng của rác thải nhựa, nhất là tác động của vi nhựa tới các hệ sinh thái biển và sức khỏe của con người.
Đại diện cho phía Việt Nam tại hội nghị, trong phần phát biểu của Ông Tạ Đình Thi, Tổng cục trưởng Tổng cục Biển và Hải đảo Việt nam, Ông Tạ Đình Thi cho biết, trên thế giới đã có nhiều chiến dịch, sáng kiến nhằm giảm thiểu nhựa nói chung, rác thải nhựa ra biển nói riêng ở cả quy mô toàn cầu và khu vực. Trên quy mô quốc tế một số chương trình hành động về rác thải biển đã được thực hiện như Chương trình hành động quốc tế về bảo vệ môi trường biển từ những hoạt động có nguồn gốc từ đất liền – Công ước Washington 1995, Sáng kiến toàn cầu của UNEP về rác thải biển, Quan hệ đối tác toàn cầu về quản lý chất thải, Bộ quy tắc ứng xử về nghề cá có trách nhiệm của FAO. Các chiến dịch, sáng kiến của các tổ chức thuộc Liên Hợp Quốc, Hiệp hội Bảo tồn biển, Sáng kiến làm sạch đại dương (Ocean Cleanup)… ở cả quy mô toàn cầu, khu vực và quốc gia. Theo kết quả nghiên cứu của TS. Jenna R. Jambeck, Trường Đại học Geogia (Hoa Kỳ), Việt Nam đứng hàng thứ tư trong 20 nước đứng đầu thế giới về lượng rác thải nhựa ra biển, trung bình khoảng 0.5 triệu tấn/năm. Cũng theo nghiên cứu này, 6 quốc gia thuộc khu vực các biển Đông Á nằm trong số 10 quốc gia đứng đầu thế giới về lượng chất thải nhựa không được quản lý.
Bên cạnh những chương trình hoạt động ở mức độ toàn cầu, có hàng trăm sáng kiến pháp lý, quy định phục vụ công tác quản lý ở cấp độ khu vực, quốc gia, cấp quốc gia và cộng đồng, điển hình như là: Chỉ thị khung chiến lược biển Châu Âu, Hệ thống tích hợp thực tế cho rác thải nhựa của Hàn Quốc, những hoạt động về rác thải biển của Cục quản lý đại dương và khí quyển quốc gia Mỹ (NOAA), và Chương trình hành động về rác thải và tài nguyên của Vương quốc Anh. Tại khu vực các biển Đông Á, Kế hoạch hành động khu vực về rác thải biển được đề xuất vào năm 2008, tuy nhiên cho đến nay, các hoạt động hợp tác về nghiên cứu, quản lý rác thải nhựa trên biển tại khu vực này vẫn còn hạn chế.
Ông Martin Stuchtey, Giám đốc điều hành, SYSTEMIQ (MRS) điều phối hội nghị
Trong bối cảnh đó, Việt Nam đã có nhiều nỗ lực thông qua những cam kết chính trị mạnh mẽ cũng như các hoạt động thiết thực trong quản lý, giảm rác thải nhựa. Bên cạnh đó, về mặt luật pháp, Việt Nam đã ban hành nhiều văn bản quan trọng như Luật tài nguyên, môi trường biển và hải đảo (2015), Luật bảo vệ môi trường (2014), các văn bản quy phạm pháp luật hướng dẫn thi hành và đặc biệt là Nghị định 38/2015/NĐ-CP của Chính phủ về quản lý chất thải và phế liệu, là cơ sở pháp lý quan trọng nhất liên quan đến hoạt động quản lý, xử lý rác thải nhựa nói chung và trên biển nói riêng. Tuy nhiên, rác thải nhựa mới được quy định chung trong nhóm có khả năng tái sử dụng, tái chế chứ chưa có quy định, hướng dẫn cụ thể về việc quản lý, thu gom và xử lý nhóm rác thải này để phù hợp với tình trạng ô nhiễm nhựa trên biển ngày càng nghiêm trọng hiện nay cũng như thúc đẩy các chính sách giảm thiểu, tái chế, tái sử dụng sản phẩm nhựa. Bên cạnh đó, khu vực biển Đông Á nói chung và với Việt Nam nói riêng, các nghiên cứu về rác thải nhựa trên biển còn gặp nhiều thách thức và bất cập.
Trên tinh thần đó, các nội dung được các tổ chức trong nước và quốc tế thảo luận tại hội nghị này nhằm đưa ra giải pháp cho các vấn đề cấp bách hiện nay về rác thải nhựa đại dương cũng như hoạch định các cơ chế, chính sách đa quốc gia cùng chung tay bảo vệ đại dương vì một hành tinh xanh, đại dương xanh cho tất cả chúng ta hôm nay và các thế hệ mai sau.
Cũng tại hội nghị, về phía Việt Nam, Tổng cục trưởng Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam Tạ Đình Thi đã trình bày bản tham luận và Sáng kiến của Việt Nam đề xuất dự án “Thiết lập thiết lập mối quan hệ đối tác khu vực các biển Đông Á về quản lý rác thải nhựa đại dương”. Thông qua nội dung tham luận, có thể thấy rằng không chỉ với Việt Nam, vấn đề rác thải nhựa đại dương đang là vấn đề chung cấp bách của toàn cầu và của khu vực. Và với sáng kiến của Việt nam đưa ra, cho thấy rằng việc thiết lập mối quan hệ đối tác khu vực các biển Đông Á về quản lý rác thải nhựa đại dương và thực hiện các nội dung của dự án vùng đóng vai trò hết sức quan trọng đối với khu vực nhằm hiện thực hóa thông điệp “Chung tay vì một đại dương không có rác thải nhựa”. Với các mục tiêu rất tổng thể, bao trùm nhằm thúc đẩy hợp tác, tăng cường phối hợp khu vực trong giảm rác thải nhựa cho khu vực các biển Đông Á; tạo động lực cho việc chuyển dịch mô hình tăng trưởng trên cơ sở nền kinh tế tuần hoàn theo nguyên tắc giảm tiêu thụ, gia tăng tái chế và tái sử dụng nhựa; thiết lập cơ sở tri thức về rác thải nhựa ở biển và đặc biệt là nâng cao nhận thức cộng đồng, thay đổi hành vi, ứng xử với các sản phẩm nhựa và rác thải nhựa.
Hội nghị với sự tham gia của các cán bộ cấp cao đến từ nhiều tổ chức trong nước và quốc tế
Thông qua Hội nghị, những thông điệp về bảo vệ đại dương có sức lan tỏa mạnh mẽ tới cộng đồng trên toàn thế giới, cùng với đó là những vấn đề cấp bách và sáng kiến của Việt Nam đưa ra trong hội nghị lần này, cho thấy việc thực hiện dự án phạm vi khu vực nhưng có lợi ích toàn cầu, và để hiện thực hóa mục tiêu “vì một đại dương không có rác thải nhựa” cần thúc đẩy việc tạo lập môi trường thuận lợi ở cấp độ quốc tế và tại mỗi quốc gia để các bên tham gia tích cực, có hiệu quả vào các nỗ lực quốc tế trong giảm thiểu rác thải nhựa ra biển và đại dương. Việc duy trì một đại dương xanh, sạch, không có rác thải nhựa cho tất cả chúng ta chỉ có thể thực hiện được khi tất cả các quốc gia ven biển tiến hành các giải pháp đồng bộ kiểm soát ô nhiễm môi trường biển cùng với sự đồng hành của Quỹ Môi trường toàn cầu.
Một số hình ảnh các đại biểu quốc tế tham luận tại Hội nghị:
Thu Loan
(Theo: vasi.gov.vn)